Từ trung tâm Tỉnh lỵ Quảng Trị, ngược theo quốc lộ 9 qua các địa danh như: Tân Lâm, Cam Lộ, Đầu Mầu, Sa Mưu, Rào Quán, Tà Cơn, Khe Sanh,vượt Trường Sơn Đông qua Trường Sơn Tây, phía trước là Làng Vây, đến cửa khẩu Lao Bảo đó […]
Vào thời Triều Nguyễn đã xây dựng ở Lao Bảo một đồn trấn ải biên phòng để trấn giữ biên cương. Cho đến năm 1909 thực dân Pháp đã cải tạo đồn trấn ải này thành nhà đày gọi là nhà đày Lao Bảo để giam cầm, đày ải các sĩ phu yêu nước và các chiến sĩ cách mạng trung kiên.
Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Lao Bảo được xem là vùng căn cứ địa cách mạng của bộ đội hai nước Việt Nam- Lào.
Vào những năm 1969-1971, nơi đây là vùng chiến sự ác liệt, đặc biệt là chiến dịch Đường Chín Nam Lào, lực lượng bộ đội của ta đã đánh tan và bẻ gãy cuộc hành quân Lam Sơn 719 của ngụy quân Sài Gòn làm cho địch thất bại nặng nề, tạo thuận lợi cho tuyến hành lang giao thông tiến quân đánh địch và giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất. Vào tháng 9 năm 1975, thực hiện chủ trương di dân dãn dân cuả Tỉnh uỷ Quảng Trị, một bộ phận nhân dân của xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong đặt chân lên địa danh nổi tiếng là chốn “rừng thiêng nước độc” này để khai phá, xây dựng vùng đất này thành một vùng kinh tế mới, từ đó hình thành nên xã Tân Phước thuộc Huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.
Nằm trên tuyến quốc lộ 9, dọc trục hành lang kinh tế Đông Tây, Lao Bảo có một ví trị chiến lược cực kì quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế. Qua quá trình xây dựng và phát triển, Lao Bảo đã hình thành một khu kinh tế mở năng động, là điểm giao lưu,buôn bán, hoạt động thương mại dịch vụ, công nghiệp của miền Trung Việt Nam với nước cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và các tỉnh miền Đông Bắc của Thái Lan.
Vì vậy, vào ngày 1 tháng 8 năm 1994 chính phủ đã có Nghị định 79/CP về việc thành lập thị trấn Lao Bảo trên cơ sở địa bàn hành chính của xã Tân Phước, cũng từ đó xã Tân Phước được đổi tên thành Thị trấn Lao Bảo.
Để tạo dựng một khu kinh tế năng động mang tính chất đặc thù của miền Trung, mở ra tiến trình phát triển kinh tế xã hội cho miền núi, ngày 12 tháng 11 năm 1998 chính phủ đã ban hành Quyết định 219/TTg về việc thành lập khu vực khuyến khích phát triển kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, gọi tắt là khu thương mại Lao Bảo, và Thị trấn Lao Bảo được xem là trung tâm của khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo.
Thị trấn Lao Bảo có diện tích 1700,46 ha; dân số có 9237 người, gồm ba dân tộc anh em đó là dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pakô.Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 14% dân số của Thị trấn.Với sức mạnh đoàn kết của các dân tộc anh em,nhân dân Lao Bảo đã và đang chung sức xây dựng quê hương ngày một vững mạnh.
Hiện nay, trên địa bàn có hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến đầu tư để sản xuất và kinh doanh, làm ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế và kỹ thuật cao đã có mặt khắp nơi trong toàn quốc và xuất ra các nước trong khu vực.
Là một thị trấn biên giới, cửa khẩu có 15 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Qúa trình sinh sống nhân dân hai bên biên giới đã hun đúc nên một tình cảm cao quý, tôn trọng lẫn nhau, tăng cường đoàn kết xây dựng biên giới an toàn, hữu nghị.
Lao Bảo- vùng đất hoang sơ, đèo cao, vực thẳm ngày nào nay đã trở thành một đô thị sầm uất, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhà thơ Ngô Kha đã viết: “Rồi sẽ thấy và nhất định thấy- Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo, một thị trấn yêu kiều qua nẻo Làng Vây.”
Đặng Thái Hoà
CTHĐND Thị trấn Lao Bảo