Lòng nhân ái hay còn gọi là lòng yêu thương con người là 1 trong những đức tính cơ bản nhất hình thành nên nhân cách của con người. Lòng yêu thương con người xuất phát từ những tình cảm dành cho những người thân thiết trong gia đình như ông bà bố mẹ anh chị em sau đó là những người hàng xóm bạn bè xung quanh ta và lớn hơn là cả dân tộc toàn thế giới. Dưới đây là hướng dẫn cách lập dàn ý cụ thể cho đề bài văn yêu cầu nghị luận về lòng nhân ái của học sinh lớp 9. Dàn ý có đầy đủ từ mở bài đến các lí lẽ, dẫn chứng, kết bài. Các bạn có thể tham khảo từ đó lựa chọn ý phù hợp cho bài văn của mình.
Các bài viết về chủ đề Lòng nhân ái được quan tâm trên THCS Lao Bảo:
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.” (Trịnh Công Sơn) Tấm lòng ấy xuất hiện trong cuộc sống bận rộn và vội vã này để làm gì thế? Ấy là để “gió cuốn bay” đi. Nhưng cuốn bay không có nghĩa là trôi vào hư không rồi biến mất, mà là cuốn bay để đưa đến với người cần. Tấm lòng ấy chính là tình yêu thương, là lòng nhân ái – điều mà người ta cứ hay nhắc đến trong văn chương. Và, lòng nhân ái một lần nữa xuất hiện trong các đề văn, đặc biệt là văn nghị luận xã hội của học sinh lớp 9. Nếu không hiểu rõ vấn đề thì sẽ khó mà có thể làm được bài, các ý cũng không rõ ràng, bài viết sẽ mất đi sự logic, mạch lạc. Đã có rất nhiều trường hợp các bạn làm lạc đề vì hiểu sai khái niệm lòng nhân ái, từ đó lấy lí lẽ và dẫn chứng sai lệch… Hiểu được điều ấy và với mong muốn được giúp đỡ các bạn học sinh lớp 9 trong quá trình học tập và làm quen với dạng văn nghị luận này, bên dưới đã được dẫn ra một dàn ý chi tiết cụ thể từ thân bài, giải thích khái niệm, luận điểm, dẫn chứng cho các luận điểm lớn, nâng cao vấn đề và rút ra bài học… của đề văn nghị luận về lòng nhân ái lớp 9. Hi vọng rằng dàn ý mẫu dưới đây có ích với các bạn học sinh.
Bài dàn ý mẫu về lòng nhân ái của THCS Lao Bảo hy vọng sẽ giúp các ban có cái nhìn tổng quan và đầy đủ hơn về đề văn này
Dàn ý Nghị luận về lòng nhân ái lớp 9 chi tiết
I, MỞ BÀI
Ví dụ:
Mở bài số 1: Trong những hành trang mà ta mang theo bên mình trên đường đời này, chẳng phải là vật chất xa hoa, quyền lực cao quý, mà là kiến thức, là những giá trị đạo đức lâu bền. Giữa những giá trị ấy, ta luôn được nhắc nhở phải ghi nhớ rằng, lòng nhân ái là quan trọng nhất, là phải có đầu tiên.
Mở bài số 2: Cuộc sống luôn tồn tại những điều kì diệu. Mà những điều ấy bắt nguồn từ 2 chữ “yêu thương”. Yêu thương ấy, tình cảm ấy chính là lòng nhân ái, là những tấm lòng đáng trân trọng trong cuộc sống này.
II, THÂN BÀI
Giải thích khái niệm
Lòng nhân ái là gì? → Đó là tình yêu thương con người. Là tình cảm tốt đẹp, yêu thương mà không hề có vụ lợi cá nhân, không hề có toan tính bon chen giữa con người với nhau, kể cả là thân thiết hay xa lạ.
Biểu hiện: Lòng nhân ái, đơn giản chỉ là giúp đỡ một bà cụ qua đường, đưa một em bé lạc đường đến đồn công an để tìm về với gia đình. Đôi khi chỉ là giúp đỡ một người ăn xin, một cái nắm tay, một nụ cười, một chiếc bánh nhỏ… Chỉ vậy nhưng cũng làm người ta thấy hạnh phúc và ấm lòng, đó là lòng nhân ái mà ta vẫn luôn nghe, luôn thấy.
Bàn luận vấn đề (Ý nghĩa)
Steve Godier đã từng nói rằng: “Lòng nhân ái là biểu hiện cao đẹp nhất của con người.”. Quả thực, khi ta biết yêu thương và cho đi, ta đã sống tốt hơn ngày hôm qua và tốt hơn nữa vào ngày mai. Lòng nhân ái chính là thước đo đạo đức để đánh giá một con người. Chắc hẳn chúng ta sẽ yêu quý người có lòng nhân ái, yêu thương người khác hơn là kẻ sống ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình. Lòng nhân ái vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta từ trước đến nay. Bởi vậy, sống ích kỷ tức là ta đang đi ngược lại với giá trị lâu bền ấy.
Dẫn chứng: Ông cha ta đã có vô vàn những câu ca dao, tục ngữ nói về lòng nhân ái như: “Lá lành đùm lá rách”; “Thương người như thể thương thân”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”…
Không chỉ có những câu ca dao tục ngữ mà các nhà văn, nhà thơ cũng từng viết rất nhiều về lòng nhân ái, về tình yêu thương. Nhà thơ Tố Hữu viết rằng: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau”…
Khi ta giúp đỡ và yêu thương kẻ khác, ta không chỉ mang đến niềm vui cho họ mà còn là cho chính mình. Lenin đã từng nói: “Người hạnh phúc nhất chính là người mang lại hạnh phúc cho nhiều người nhất.” Giúp đỡ họ, chính là cũng giúp đỡ mình, làm tâm hồn và tình cảm được nâng lên cao hơn, ý nghĩa hơn. Nếu ai đã từng đọc văn của Nam Cao, ắt hẳn đầu nhớ rõ câu văn này: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình.” Bởi vậy, khi ta biết yêu thương là ta đã trở thành kẻ mạnh rồi.
Dẫn chứng: Cả thế giới đã từng ngả mũ cúi mình trước hành động đầy tính nhân văn, nhân ái của cậu bé 9 tuổi người Nhật Bản trong thảm hoạ của trận động đất sóng thần. Giữa cái rét căm căm của trời tối, trên người em chỉ mặc độc mỗi chiếc quần đùi và áo thun. Một chú cảnh sát đã đến gần và khoác chiếc áo của mình lên người em, cho em phần lương khô còn lại của mình vì nghĩ nếu đến lượt em thì cũng hết đồ rồi. Sau khi nhận túi lương khô, cậu bé đã khom người cảm ơn và vội chạy thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Hành động ấy khiến chú cảnh sát ngạc nhiên vô cùng và hỏi tại sao, và câu trả lời của cậu bé khiến cho chú phải cảm động rơi nước mắt: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ.” Em đã trở thành kẻ mạnh, một kẻ mạnh không ai có thể vượt nổi.
Lòng nhân ái chính là móc xích kết nối những con người trong xã hội lại với nhau, tạo nên một cộng đồng vững mạnh, tốt đẹp và văn minh. Bởi vậy, thật dễ hiểu làm sao khi con người ta thích sống ở những đất nước phát triển, giàu lòng yêu thương. Họ sẵn sàng giúp đỡ người xa lạ ngoài đường phố mà chẳng hề đòi hỏi điều gì, chỉ đơn giản là tình yêu thương trong họ thôi thúc họ làm như thế…
Mở rộng và rút ra bài học nhận thức hành động
Lật ngược vấn đề: Ngày nay, trong xã hội lại có những con người lựa chọn sống khép mình, lùi ra xa với cộng đồng, sống ích kỷ vô ơn. Không chỉ thế, nhiều người còn coi lòng nhân ái như là một cách để tôn mình lên, để làm bản thân nổi tiếng trước công chúng và xã hội. Chúng ta không nên đánh đồng lòng nhân ái với sự bố thí ban ơn, mà đó là tình cảm xuất phát từ sâu trong trái tim, là tình cảm giữa nhân loại với nhau.
Bài học rút ra: Mỗi chúng ta cần phải rèn luyện thật tốt, bắt đầu yêu thương từ những việc làm nhỏ nhất. Hãy giúp đỡ những người xung quanh bạn khi bạn có thể, họ sẽ giúp lại bạn lúc bạn cần.
III, KẾT BÀI
Ví dụ: Yêu thương sẽ khiến cuộc đời này tốt đẹp hơn. Tình yêu trao đi, tất sẽ nhận lại trái ngọt. Cuộc sống này vẫn luôn công bằng, đừng ngại ngần trao đi yêu thương bạn nhé.