Văn nghị luận luôn là một dạng tập làm văn khá khó đối với nhiều bạn học sinh. Nhiều bạn không biết cách sắp xếp và lựa chọn lí lẽ cũng như dẫn chứng cho phù hợp, khiến bài văn không được logic, mạch lạc, rõ ràng, dẫn đến mất điểm khi đi thi, kiểm tra. Đặc biệt là với kiểu nghị luận về một hiện tượng đời sống, nhiều bạn không biết chọn hiện tượng nào cho ổn. Chính vì thế, hôm nay tôi đưa một dàn ý chi tiết nghị luận về một hiện tượng đời sống dành cho học sinh lớp 9. Hi vọng rằng có giúp ích được cho các em.
Các bài viết về chủ đề Hiện tượng đời sống được quan tâm trên THCS Lao Bảo:
Tập làm văn của lớp 9 khá đa dạng về thể loại: văn tự sự, thuyết minh, biểu cảm… Đặc biệt, phần tập làm văn lớp 9 tập trung khá nhiều vào thể loại văn nghị luận. Đây cũng là dạng bài có trong đề thi văn vào THPT, vậy nên nó có một tầm quan trọng khá lớn, đòi hỏi học sinh phải học tập nghiêm túc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể học tốt được với dạng văn này. Văn nghị luận xuất hiện khá nhiều những vấn đề khiến học sinh phải đau đầu như việc lựa chọn dẫn chứng phù hợp, việc đưa ra các lí lẽ xác đáng và sắp xếp chúng… Ngoài ra còn yêu cầu về lời văn, cách viết logic, sáng rõ, nổi bật được ý. Chính vì vậy nên tôi đã quyết định làm một dàn ý chi tiết nghị luận về một hiện tượng trong đời sống, cụ thể là về hiện tượng sành điệu ở giới trẻ để các em có cái nhìn tổng quan về cách làm bài văn nghị luận về hiện tượng đời sống, biết cách chọn hiện tượng phù hợp và sắp xếp ý của mình theo từng mức độ mình chọn như từ bản thân đến gia đình, xã hội hay trả lời cho câu hỏi Vì sao?… Chúc các em thành công nhé. Mong rằng dàn ý dưới đây sẽ giúp ích được cho các em trong quá trình học tập và thực hành.
Theo xu hướng thì việc học hỏi và giao thoa các xu hướng thời gian thì giới trẻ ngày càng sành điệu hơn khi sắm các đồ hiệu đắt tiền
Dàn ý Nghị luận về một hiện tượng đời sống lớp 9 (Sành điệu ở giới trẻ)
I, MỞ BÀI
Ví dụ:
Mở bài số 1: Là con người, ai cũng yêu cái đẹp. Nếu ngày xưa nét đẹp là sự chung thủy, kín đáo hiền hậu thì ngày nay cái đẹp lại vô cùng phong phú với những con mắt thẩm mỹ khác nhau. Trong đó, nét đẹp khá được ưa chuộng là sự cá tính, hay còn gọi là sành điệu. Chính vì vậy, với giới trẻ, hai từ sành điệu không còn quá xa lạ, nó đã trở nên vô cùng phổ biến.
Mở bài số 2: Cuộc sống ngày càng phát triển, là thế hệ tiếp cận nhanh với nhiều cái mới, giới trẻ đã có rất nhiều những thay đổi trong suy nghĩ và quan niệm. Một trong số đó, điều tôi muốn nói chính là chuyện sành điệu ở giới trẻ ngày nay.
II, THÂN BÀI
Giải thích khái niệm
Thế nào là sành điệu với giới trẻ?: Sành điệu là cách ăn mặc hợp thời, tôn lên vẻ đẹp của người mặc. Nhưng “sành điệu” với giới trẻ lại không phải như vậy, với giới trẻ đó là cách ăn mặc “style”, phá cách, xô thời.
Sành điệu được biểu hiện như thế nào trong đời sống giới trẻ?: Với giới trẻ ngày nay, sành điệu là mặc những bộ quần áo hàng hiệu đắt tiền, dùng những đồ dùng xịn với giá ngất ngưởng hay là dám chơi trội. Từ sành điệu được giới trẻ hiểu theo nghĩa đen của nó, là sự ăn mặc hợp mốt, đi trước mốt mới. Theo lối suy nghĩ ấy, những “phong cách ăn mặc” vô cùng lạ lẫm ra đời. Những chiếc quần bò rách lỗ chỗ đi cùng đôi giày cao gót, đeo túi dây nào những xích lằng nhằng, mái tóc làm xoăn buông xoã rối lên chẳng hề giống ai….
Bàn luận vấn đề
Việc giới trẻ sống sành điệu bây giờ không phải là một điều gì xấu bởi ông cha ta đã từng nói rằng: “Người đẹp vì lụa.” Nhu cầu làm đẹp bản thân hơn là chuyện rất đỗi bình thường của con người. Không chỉ vậy, việc ăn mặc sành điệu cũng phần nào thể hiện được con người, tính cách, để con người ta ra ngoài xã hội sẽ thấy tự tin hơn. Hơn nữa, tâm lí tuổi trẻ là yêu thích những cái mới, cái lạ nên họ tiếp thu những thứ này rất nhanh.
Tuy nhiên, sẽ chẳng có gì là đáng bị lên án nếu khái niệm “sành điệu” không bị làm cho lệch lạc đi. Rất nhiều người trẻ quan niệm sành điệu là phải mặc đồ hàng hiệu đắt tiền, vì vậy họ không ngừng vung tiền của bản thân vào những món đồ đắt đỏ. Nào là kính Gucci (giá thấp nhất cũng phải vài trăm đô), đeo đồng hồ Swatch. đeo túi LV hay dùng nước hoa Chanel… Những món đồ đắt tiền ấy không phải ai cũng có thể dễ dàng mua được. Giới trẻ đa số là học sinh sinh viên hay mới bắt đầu đi làm, họ chưa thể nào đủ khả năng tài chính để chi trả được. Từ đó, những lời nói dối nộp tiền ở lớp, ở trường, vay nợ bắt đầu xuất hiện… Bạn hãy thử tưởng tượng mà xem, sau những câu chuyện đó là những bi kịch gì? Hẳn bạn cũng đoán được phải không? Đừng để mình trở thành một “trưởng giả học làm sang” ở trong vở kịch của Mô-li-e nhé.
Dẫn chứng: Vì chuyện ăn mặc sành điệu, hưởng thụ cuộc sống xa hoa lãng phí mà không ít nữ sinh đã đi vay tiền của tổ chức trên mạng. Ở Trung Quốc đã xảy ra chuyện nữ sinh bị yêu cầu gửi ảnh khoả thân và mã sinh viên thì mới được vay tiền và chúng sẽ công khai thứ này nếu không trả nợ đúng hẹn. Lãi mẹ đẻ lãi con, cộng thêm việc tiêu xài lãng phí, không phải sinh viên nào cũng đủ khả năng để trả được món nợ khổng lồ ấy. Một nữ sinh tên Li Li đã vay 55 bảng Anh với lãi 30%/tuần và sau đó số nợ lên tới 6000 bảng Anh…
Không chỉ làm ảnh hưởng kinh tế mà có khi sự kết hợp những món đồ xa xỉ lại tạo ra một cách ăn mặc vô cùng kệch cỡm, buồn cười, không ai giống với ai, mà người ta hay gọi đó là sành điệu “dởm”. Bởi cái đẹp của sành điệu là cái đẹp khiến người nhìn thấy ấn tượng và bắt mắt theo một cách khác chứ không phải là ấn tượng vì nó kì lạ, khác người. Sành điệu về cách ăn mặc chỉ là sự sành điệu vẻ ngoài, không hề có giá trị bền lâu. Sành điệu mà con người ta vẫn luôn hướng tới đó chính là sự sành điệu từ những vẻ đẹp trong tâm hồn, hành động.
Dẫn chứng: W.Disney hay J.K.Rowling, họ là những người sành điệu vô cùng nổi tiếng, sành điệu bởi vẻ đẹp vượt khó, vượt thách thức chứ chẳng phải từ cách ăn mặc xa hoa… Một người phóng viên xông vào cứu đứa nhỏ ra khỏi đám cháy, một cậu bé tặng người ăn xin chiếc bánh nóng… đó đều là những con người sành điệu – sành điệu trong tâm hồn.
Mở rộng và rút ra bài học nhận thức, hành động
Sành điệu vẻ ngoài chỉ là sành điệu ở những giá trị vật chất. Rồi nó sẽ qua đi rất nhanh thôi, trở thành đồ cũ và người ta sẽ chỉ còn nhớ về nó qua các bức ảnh đã cũ hay là kí ức trong đầu mình.
Bài học: Mỗi người trẻ cần trang bị cho mình kiến thức và hiểu biết để làm đầy mình, để bản thân nhận thức được rõ hơn về bản thân và đâu là giá trị lâu bền thực sự của sành điệu.
III, KẾT BÀI
Ví dụ: Viết về sành điệu, tôi không phủ nhận về ý nghĩa của nó, nhưng cần biết sành điệu đúng và phù hợp. Thay vì lựa chọn sành điệu vẻ ngoài, sao ta không để bản thân là một người sành điệu trong tâm hồn, hiểu biết?
Ngoài ra các bạn có thể chọn rất nhiều hiện tượng của đời sống thường nhất hằng ngày và xu hướng của xã hội ví dụ như: ăn chơi đua đòi, nghiện game, nghiện các mạng xã hội, khoe khoang thể hiện, sống ảo… để làm chủ đề cho bài văn của mình về nghị luận về các hiện tượng của đời sống.