Lượng kiến thức của con người là khổng lồ và ngày càng được phát triển rất nhiều qua các thế hệ với những tiến bộ về khoa học công nghệ mạnh mẽ. Ngoài những kiến thức trong sách và và trường học chúng ta còn phải hcoj rất nhiều kiến thức trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt là những kiến thức mới thì có thể sách vỡ không thể cập nhật kịp được. Chúng ta có thể học được những kiến thức rất hay ho từ những điều rất cơ bản trong cuộc sống xung quanh. Nó sẽ là hành trang giúp bạn vào đời. Dưới đây là hướng dẫn lập dàn ý chi tiết cho đề bài yêu cầu nghị luận về câu nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” của lớp 9. Các em hãy tham khảo và từ đó lựa chọn ý phù hợp cho bài viết của mình nhé.
Các bài viết về chủ đề Đi một ngày đàng học một sàng khôn được quan tâm trên THCS Lao Bảo:
“Học, học nữa, học mãi!”, V. I. Lenin – vị lãnh tụ vĩ đại của nước Nga đã từng khẳng định điều ấy. Câu nói này vẫn luôn không ngừng được sử dụng trong cuộc sống, trở thành một kim chỉ nam, một động lực để con người ta hoàn thiện mình hơn, học tốt hơn, cố gắng hơn nữa. Và chúng ta có rất nhiều cách để tiếp cận tri thức, làm đầy mình hơn: học hỏi từ bạn bè, tiếp thu kiến thức từ thầy cô, từ cha mẹ ông bà; đọc những cuốn sách… Ngày nay, người ta còn có kiến thức qua những chuyến đi. Những chuyến đi mang đến kiến thức, mang tới hiểu biết, những điều mà vốn không có ở vùng đất ta vẫn sống. Bởi vậy, ông cha ta đã có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Câu nói ấy vẫn còn giá trị cho đến tận ngày nay, trở thành một đề bài nghị luận xã hội quen thuộc đối với nhiều thế hệ học sinh năm lớp 9. Để giúp các em hiểu hơn về câu nói này, cũng như tránh thiếu sót ý, đưa ra lí lẽ và dẫn chứng sai lệch, tôi đã đưa ra một dàn bài chi tiết nghị luận về câu nói này. Hi vọng nó sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập và làm bài.
Bạn sẽ học đươc rất nhiều điều hay ho trong cuộc sống từ những chuyến đi, đó là những kinh nghiệm thực tế rất thiết thực
Dàn ý Nghị luận về câu nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” lớp 9
I, MỞ BÀI
Dẫn dắt giới thiệu đến vấn đề nghị luận đề bài yêu cầu theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp tuỳ chọn: Nghị luận về câu nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Ví dụ:
Mở bài số 1: Kiến thức trên đời này là một biển đại dương bao la rộng lớn, mà những điều mỗi người chúng ta biết chỉ là một giọt nước nhỏ bé trong lòng đại dương ấy. Nhưng giọt nước ấy sẽ lớn thêm dần, nếu chúng ta tích cực học hỏi, tiếp thu kiến thức, cũng chính là khi chúng ta bắt đầu bước đi như ông cha ta đã từng nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Mở bài số 2: Tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng, cuộc đời của con người chúng ta là những chuyến đi. Những chuyến đi dù dài hay ngắn, dù gần hay xa, đều để trong ta những kí ức, kỉ niệm. Nhưng không chỉ vậy, mà còn là cả một trời kiến thức bao la theo mỗi bước ta đi, giống như ông cha ta đã từng khẳng định rằng: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
II, THÂN BÀI
Giải thích câu nói
“Đi một ngày đàng”: Từ “đàng” là từ địa phương của miền Trung và miền Nam, có nghĩa là đường đi. “Ngày đàng” hay còn gọi là ngày đường, tức chỉ đơn vị độ dài đoạn đường mà con người ta đi được trong một ngày. Bởi ngày xưa người ta chưa biết đến các đơn vị đo lường như ngày nay, họ tính quãng đường mình đi được bằng thời gian mình đã đi. “Một ngày đàng” tức là một quãng đường vô cùng dài, mất rất nhiều thời gian công sức của người đi đường.
“Học một sàng khôn”: “Học” là hành động tiếp thu tri thức, là bổ sung vốn hiểu biết cho bản thân mình. “Sàng” trong dân gian ngày xưa là một vật dụng làm từ tre, gỗ, nứa, có hình tròn, hơi nông và rộng, có các lỗ để làm sạch trấu và tấm ở những hạt gạo. Với hình ảnh chiếc sàng, ta liên tưởng đến rằng những gì không đáng được giữ lại sẽ bị rơi xuống qua những chiếc lỗ.
=> Sử dụng cách nói ẩn ý qua những điều đơn giản hàng ngày, chỉ với 2 vế câu đối xứng nhau, ông cha ta đã đưa vào trong câu tục ngữ ấy một bài học vô cùng ý nghĩa và sâu sắc: Chỉ khi đi và tiếp xúc với thế giới rộng lớn, ta mới học được những điều ý nghĩa, có giá trị được sàng lọc cẩn thận, chắc chắn.
Bàn luận vấn đề
Thế giới này vô cùng rộng lớn. Mỗi một vùng đất, mỗi một nơi là một nền văn hoá khác nhau xuất hiện, là một trời tri thức khác mở ra. Sở hữu những điều kiện tự nhiên khác nhau, từ đó mà hình thành nên văn hoá, phong tục và tập quán khác nhau, chính điều ấy đã tạo nên cơ hội rất lớn để chúng ta đi và học tập.
Dẫn chứng: Ngay trên dải đất hình chữ S này thôi, với hơn 60 tỉnh thành trên cả nước, mỗi tỉnh thành lại có một nét đẹp riêng của nó. Huế cổ xưa với dòng sông Hương êm đềm chảy, với những núi Ngự, cố đô, một bề dày lịch sử chờ đón ta khám phá. Đà Nẵng nhộn nhịp ngày đêm, hiện đại và náo nhiệt nhưng vẫn giữ nét đẹp xưa nơi Hội An cổ kính. Một vùng Tây Bắc với những đồi chè, rừng cây bạt ngàn, với những điệu múa xoè, múa quạt, nhảy sạp hát ca khiến ta nhớ mãi chẳng thể nào quên… 63 nơi, 63 nét đặc trưng riêng, tạo nên những màu sắc tươi đẹp trên tấm bản đồ tri thức dọc hình chữ S này.
Cuộc sống là muôn màu muôn vẻ, những gì mà con người biết vốn chỉ là một giọt nước nhỏ bé giữ lòng kiến thức bao la. Mà mỗi người là một tiểu vũ trụ nhỏ không ai lặp lại ai bao giờ. Những tháng ngày lớn lên ở nơi mình thân thuộc, những người xung quanh ta đã sớm thấu hiểu, vậy nên đi xa, để gặp những con người khác nhau, để làm quen, để trò chuyện, làm đầy mình, phong phú hơn tri thức, toàn diện hơn cái nhìn của bản thân.
Dẫn chứng: Được sinh ra và lớn lên ở những vùng đất khác nhau, con người sẽ có suy nghĩ và cách tiếp cận đời sống khác nhau. Cùng là con số 4, nhưng với người phương Đông, nó là số tử và làm chuyện gì cũng không nên dính dáng đến con số này. Nhưng với người phương Tây, đó lại là một con số rất đỗi bình thường. Nếu như phương Đông có nền lịch sử lâu đời với những triều đại phong kiến, với nền văn minh lúa nước thì phương Tây lại phát triển khác, với trang phục xưa khác, nền văn minh khác…
Thời đại mới, với nhiều bước phát triển mới, toàn cầu không ngừng thay đổi với nhiều xu hướng khác nhau. Đi chính là để tìm hiểu, để bắt kịp thời đại, cũng là để trở về xây dựng quê hương, làm giàu Tổ quốc.
Dẫn chứng: Có lẽ, câu chuyện về vị Cha già vĩ đại của dân tộc, không ai là không biết, không ai là không nhớ. Người đã đứng lên và ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba hơn 30 năm ở nhiều nước khác nhau. Trong quãng thời gian ấy, Người không ngừng tìm hiểu và học hỏi, không ngừng thâm nhập vào đời sống người dân để hiểu họ, để thấu họ nghĩ gì, từ đó tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn và tuyệt vời nhất. Chính nhờ điều ấy, nhờ quyết định đi xa ấy, độc lập tự do đã trở lại với đất nước Việt Nam….
Mở rộng nâng cao vấn đề và rút ra bài học nhận thức hành động
Lật ngược vấn đề: Tuy nhiên, không có nghĩa là cứ phải đi xa thì ta mới học được những điều mới, những điều khác lạ. Nhà văn Pháp G.Flôbe đã từng nói: “Tôi chưa gặp một người nào mà không tìm thấy ở người đó một cái gì để học.” Ở bất cứ một người nào, ở bất cứ nơi đâu, ta đều có thể học hỏi, tiếp thu kiến thức. Ngoài ra, ta vẫn còn rất nhiều những cách bổ sung kiến thức khác nhau như đọc sách – nguồn kiến thức vô tận, thâm sâu của con người suốt bao ngàn năm lịch sử, tìm kiếm trên các trang web uy tín qua Internet… Và không phải ai cũng đi nhiều là sẽ học được, có người cả đời đi khắp nơi mà chẳng thể học được nửa “sàng khôn”. Có người lại học được rồi để nó nằm yên trong đầu mình, chẳng bao giờ đem ra sử dụng.
Dẫn chứng: Ngày nay, các trường học đã đưa ra chương trình đi để trải nghiệm và học tập dành cho học sinh, sinh viên theo học tại trường. Nhưng, đa số các học sinh, sinh viên lại chỉ lựa chọn nơi có nhiều cảnh đẹp, nhiều chỗ vui chơi thú vị làm địa điểm đến để có được những bức hình lắm người like, được vui chơi thoả thích mà chẳng hề có lấy một hành động nào là tìm hiểu để tiếp thu kiến thức cả.
Rút ra bài học: Học là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi chúng ta. Bởi vậy, cần biết áp dụng các phương pháp học với nhau sao cho hợp lý, phù hợp với bản thân mình. Mỗi chúng ta cũng nên tỉnh táo, sáng suốt tìm tòi những gì mình cần học, nên học, phân biệt rõ cái nào tốt cái nào xấu để giữ lại và loại bỏ thì việc học mới có hiệu quả. Đồng thời, sau khi học xong cũng cần áp dụng kiến thức vào thực tiễn, sáng tạo và sử dụng thì khi đó mới là kiến thức của mình được.
III, KẾT BÀI
Ví dụ: Hãy đi, đi để mở mang kiến thức.
Hãy đi, đi để có thêm kinh nghiệm.
Đừng ngại ngần mà đứng lên và khám phá cuộc sống, những bài học mới đang chờ bạn.