Nếu bạn đang là học sinh, bạn học không được tốt, tuy nhiên nếu bạn vô tình vào trong 1 lớp học rất giỏi và chơi với những bạn học giỏi thì bạn sẽ có những động lực và sự cố gắng nhất định trong học tập và thường sẽ tiến bộ nhanh chóng. Còn ngược lại nếu bạn chơi những với người bạn xấu chỉ biết chơi bời thì rất khó để chúng ta có thể học giỏi vì độ tuổi học sinh là lứa tuổi chưa có lập trường vững và rất dễ bịa rnh hưởng bởi tác động của môi trường xung quanh. Nghị luận về một câu nói, một câu thơ, ca dao hay tục ngữ không phải là dễ bởi ngoài giải nghĩa đen, các bạn còn phải nắm được nghĩa bóng – tức vấn đề nghị luận để từ đó bày tỏ quan điểm, suy nghĩ. Dưới đây là phần hướng dẫn dàn ý cho đề bài nghị luận về câu nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” của học sinh lớp 9. Chúc các bạn học tập thật tốt.
Các bài viết về chủ đề Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng được quan tâm trên THCS Lao Bảo:
Mỗi người đều được sinh ra và lớn lên ở những môi trường khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Bởi vậy cũng dễ hiểu vì sao mỗi người lại có tính cách, cách suy nghĩ và hành động khác nhau. Đó là điều mà ông cha ta đã đúc kết được từ ngàn xưa qua câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Đây cũng là câu tục ngữ thường xuyên được sử dụng làm đề văn nghị luận xã hội dành cho học sinh lớp 9 bởi tính đúng của nó qua thời gian. Đồng thời, việc để các bạn học sinh rèn luyện nghị luận với các câu tục ngữ cũng là cách để các bạn vừa tiếp xúc được với văn hóa xưa của đất nước vừa rèn luyện tư duy phân tích… Và, để làm được một bài văn nghị luận hay, toàn diện, mạch lạc và logic không phải dễ. Có rất nhiều học sinh gặp khó khăn với đề văn này. Chính vì thế, hiểu được điều này, với mong muốn được giúp đỡ các bạn trong quá trình học tập, dưới đây tôi đã đưa ra một dàn ý chi tiết và đầy đủ từ mở bài, phần giải thích, lí lẽ, dẫn chứng và kết bài để các bạn tham khảo. Tuy nhiên, đây chỉ là những ý nổi bật, các bạn chỉ nên đọc và từ đó lựa chọn ý phù hợp với bài viết của mình, bổ sung thêm lí lẽ của bản thân để bài viết có thêm màu sắc cá nhân nhé.
Thực tế thì gần mực chưa chắc đã đen và gần đèn chưa chắc đã sáng, tuy nhiên đó chỉ là số ít, chúng ta vẫn biết nên chọn bạn mà chơi và chọn môi trường phù hợp để phát triển và rèn luyện bản thân
Dàn ý nghị luận về câu nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” chi tiết
I, MỞ BÀI
Dẫn dắt giới thiệu đến vấn đề nghị luận đề bài yêu cầu theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp tuỳ chọn: Nghị luận về câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.”
Ví dụ:
Mở bài số 1: Môi trường sống có ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành nhân cách của con người. Các mối quan hệ gia đình, bạn bè, hàng xóm… đều tác động tới mỗi cá nhân. Điều đó đã được ông cha ta đúc kết qua câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.”
Mở bài số 2: Ca dao tục ngữ xưa đúc kết những kinh nghiệm, nhìn nhận vô cùng quý giá và chính xác của cha ông ta. Thật vậy, nói đến môi trường sống, ông bà xưa đã có câu rằng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” quả không sai.
II, THÂN BÀI
Giải thích câu nói
“Mực”: Mực ở đây không phải là loại mực mà ta vẫn thường dùng ở đời sống ngày nay mà là mực Tàu của người xưa nên nó mới có màu đen. Đó là thứ mực được đúc thành thỏi, khi dùng thì đem mài với nước, lấy bút lông chấm vào mực và viết lên giấy. Nếu sơ ý để mực dây ra tay hay quần áo thì khó mà tẩy sạch được.
“Đèn”: Còn đèn, hẳn mỗi chúng ta ai cũng đều biết đó là vật dụng chiếu sáng cho nhân loại.
=> Không chỉ dừng lại ở nghĩa đen, câu tục ngữ còn có ý nghĩa sâu xa hơn thế. Bao trùm cả câu là nghệ thuật ẩn dụ: “mực” tượng trưng cho cái xấu; “đèn” tượng trưng có cái tốt, cái đẹp. Mượn hai hình ảnh tương phản nhau, ông cha ta muốn nhắc nhở rằng: Con người nếu sống trong môi trường tốt sẽ phát triển theo chiều hướng tốt, ngược lại, nếu sống trong môi trường xấu, rất dễ bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu và trở thành người xấu. Câu tục ngữ nói rằng: Môi trường sống, hoàn cảnh sống có vai trò quan trọng quyết định tới việc hình thành nhân cách con người.
Bàn luận vấn đề
Môi trường có tác động lớn tới nhân cách mỗi người. Không ai có thể sống mà tách rời với môi trường sống. Trong cuộc sống hàng ngày, ta thường xuyên tiếp xúc với những người xung quan mình. Mối quan hệ ấy diễn ra trong quá trình lâu dài và lặp đi lặp lại. Dù muốn hay không muốn, con người cũng chịu tác động từ môi trường bên ngoài, mà đó có thể là tác động tiêu cực hoặc tích cực.
Dẫn chứng: Thực tế đã chứng minh có người gần mực thì bị đen. Trong gia đình, cha mẹ thường xuyên cãi vã, đánh nhau, không lo cho con cái; anh chị em không biết bảo ban nhau, những đứa con lớn lên trong gia đình như thế sẽ trở thành con người xấu trong xã hội. Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao vốn là một anh nông dân thật thà, chất phác và hiền lành. Nhưng từ khi ở tù về, anh trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, làm không không biết bao gia đình, đâm thuê chém mướn, ăn vạ đòi nợ. Chính nhà tù thực dân phong kiến đã làm đen tâm hồn Chí, làm tha hoá một con người lương thiện.
Thuở nhỏ, Mạnh Tử sống gần trường, nhìn thấy người ta đi học, mình cũng cắp sách đến trường, chăm chú chuyên tâm học hành, sau này trở thành bậc hiền tài… (Có thể lấy thêm dẫn chứng như về Pierre Cuire và Marie Curie; Nhuận Thổ trong tác phẩm “Cố hương” của Lỗ Tấn..)
Con người chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng. Nhất là lúc còn bé, rất dễ học theo bắt chước. Mà học thói xấu thì rất dễ dàng. Nếu không có ý thức làm chủ bản thân, ta sẽ dễ dàng nhiễm những thói hư tật xấu bởi “thói xấu lúc đầu như người qua đường, sau trở thành người bạn thân ở trong nhà và cuối cùng trở thành công chủ nhà khó tính.”
Mở rộng và rút ra bài học nhận thức hành động
Lật ngược vấn đề: Câu tục ngữ có mặt hạn chế khi nó quá đề cao vai trò của môi trường sống. Môi trường có vai trò quan trọng nhưng không phải là nhân tố quyết định trong việc hình thành nhân cách con người. Phẩm chất nằm ở chính bản lĩnh của con người ấy. Cũng có lúc gần mực nhưng chưa chắc đã đen bởi ta cẩn thận, gần đèn chưa chắc đã rạng bởi ta cố tình ngồi ở góc khuất. Sống trong môi trường xấu mà con người vẫn tốt vẫn đẹp, đó thực sự là những viên ngọc quý trong đêm. Còn sống trong môi trường tốt mà không chịu thường xuyên tu dưỡng thì cũng chỉ như thanh thép để lâu ngày rồi bị han gỉ mà thôi. (Dẫn chứng về chị Dậu trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, chú bé Gavarot trong “Những người khốn khổ” của Victor Huygo, những gia đình giàu có nuông chiều con…)
Bài học nhận thức và hành động: Mỗi người cần có bản lĩnh tỉnh táo trong cuộc sống để có thể toả sáng dù ở trong bất cứ môi trường nào. Không chỉ biết lựa chọn môi trường sống mà cần phải tạo môi trường theo chiều hướng tốt đẹp…
III, KẾT BÀI
Ví dụ: Cuộc sống chứa đựng vô vàn những điều bất ngờ, trong cuộc đời, ta sẽ được lựa chọn, thay đổi nhiều môi trường sống khác nhau. Để giữ cho bản thân sáng như ngọc, thơm như sen, mỗi chúng ta cần phải có bản lĩnh và sự kiên định bạn nhé.